Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ PHÚ XUYÊN

2023-11-22 17:05:00.0

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Phú Xuyên ngày nay thuộc địa phận hai xã Vị Xuyên và Tân Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Vị Xuyên lúc đó có địa giới từ suối Cầu Hai Huyện tới Cầu Trà, thuộc tổng Văn Xiển. Xã Tân Phú có địa giới từ suối Cầu Hai Huyện tới dốc Vai Cày giáp xã Bản Ngoại thuộc tổng Phú Lạc.

Ngày 28-3-1945, các xã Yên Cư, Vị Xuyên và Tân Phú sáp nhập thành xã Cao Vân.

Tháng 8-1948, 2 xã Cao Vân và Văn Lãng được sáp nhập thành xã Văn Cao.

Tháng 7-1953, xã Văn Cao được chia ra, thành lập 2 xã Phú Xuyên và Yên Lãng, lấy suối Cầu Trà làm ranh giới phân chia địa giới hành chính. Xã Phú Xuyên ra đời và ổn định về tên gọi cho đến ngày nay.

      Truyền thống lịch sử, văn hóa

Phú Xuyên là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Nhân dân Phú Xuyên có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những biến động của xã hội, các dấu tích văn hóa, lịch sử của cha ông còn được lưu giữ ở Phú Xuyên là minh chứng cụ thể, sinh động cho bề dày văn hóa và sức sống bất diệt của con người nơi đây.

Xưa kia, trong tất cả các làng của xã Phú Xuyên, đình, đền, chùa, miếu chính là những công trình kiến trúc điển hình góp phần tạo ra sắc thái văn hóa đậm đà cho vùng quê này. Ngày hội là dịp dân làng hội tụ, gặp gỡ, thăm hỏi, động viên lẫn nhau, tạo ra không khí phấn khởi, gắn bó trong tình làng nghĩa xóm.

Trên địa bàn xã Phú Xuyên có 2 đình và 1 chùa. Đình Làng Mon (xóm 4), đình Trung (xóm 10) và chùa Đài  (tên cổ xưa là Khâu Lâu Tự đặt tại xóm 7). Đình Trung thờ 2 vị Sơn thần. Lễ hội chùa Đài được tổ chức vào ngày 7-2 (âm lịch) hàng năm.

Cũng như nhiều nơi khác, Phú Xuyên có nhiều phong tục tập quán gắn với từng giai đoạn trong cuộc đời mỗi con người từ lúc sinh ra, trưởng thành, cho đến khi già và trở về với tổ tiên. Đám cưới của người dân Phú Xuyên xưa thường được tổ chức sau mùa thu hoạch, gần giáp Tết Nguyên Đán vì sau khi thu hoạch, thời gian rảnh rỗi có nhiều, lương thực, vật nuôi đều có sẵn... giúp cho việc tổ chức đám thêm thuận lợi, đông vui, náo nhiệt.

Trên địa bàn xã Phú Xuyên có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng nhưng vẫn có những đặc điểm chung, tiêu biểu cho cộng đồng các dân tộc ở miền núi. Dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng, nhân dân các dân tộc xã Phú Xuyên không ngừng đẩy mạnh việc khai thác, bảo lưu và phát huy những giá trị cao đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc.

Đối với các ngày lễ, tết, cho đến nay, cư dân các làng ở Phú Xuyên vẫn duy trì các phong tục, lễ tết như: Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung nguyên, Tết Trung thu...

Bên cạnh các ngày tết, nhân dân các làng trong xã Phú Xuyên còn tổ chức nhiều ngày lễ hội. Mỗi lễ hội đều hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và quy mô lớn nhỏ khác nhau. Lễ hội gồm có 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi thức mang tính tâm linh của người đang sống đối với tổ tiên, thần linh, những người có tên và không tên, có nhiều công lao đối với đất nước, quê hương, làng xóm, dòng tộc.

Ở Phú Xuyên còn lưu truyền nhiều câu chuyện dân gian, liên quan mật thiết đến các địa danh của xã như núi Rồng Đền, Đá con hươu, Bàn cờ tiên (thác Ba Dội - xóm Mẫn)... Đây là những minh chứng cho đời sống tinh thần phong phú, đa dạng của người dân trong xã.

Phần hội là những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống mà hệ thống trò xoay quanh các tích, truyện hoặc phong tục vốn có từ xa xưa, gắn liền với di tích, lễ hội.

Lễ hội ở Phú Xuyên là lễ hội gắn liền với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, gắn với phong tục, tập quán của từng dân tộc khác nhau. Lễ hội đáp ứng nhu cầu thưởng thức và giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc với nhau.

Trong quá trình hình thành làng xã, quần tụ dân cư và chung tay phát triển kinh tế - xã hội, nhân dân xã Phú Xuyên đã hình thành các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa tiêu biểu, vừa có tính đặc thù mang bản sắc quê hương, vừa phản ánh nét văn hóa chung của nông thôn Việt Nam.Đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau rất chặt chẽ, tạo nên một cộng đồng bền vững.

Ngay từ rất sớm, những cư dân đầu tiên đến Phú Xuyên đã có nhu cầu cộng đồng về ý chí và sức lực để khai phá và cải tạo đồng ruộng, lập làng. Tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dòng tộc, các làng trong xã Phú Xuyên là một nhu cầu tự nhiên và đã trở thành truyền thống tốt đẹp.

Truyền thống đó đã xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử, góp phần xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng làng xã, tạo dựng cho quê hương trở thành vùng nông nghiệp trồng lúa phát triển. Chứng tích là trên vùng đất hoang rậm, nhiều cánh đồng rộng lớn, màu mỡ đã lần lượt được hình thành. Nhân dân Phú Xuyên không chỉ giàu kinh nghiệm trong việc trồng lúa mà còn trồng các loại cây màu khác từ khâu chọn giống đến chọn đất canh tác phù hợp.

      Truyền thống hiếu học và khoa cử

Cùng với những cơ sở, truyền thống văn hóa và các phong tục tập quán tốt đẹp, thì từ xưa trong các làng của xã Phú Xuyên, nhân dân đều có truyền thống hiếu học, coi trọng những người khoa bảng.

Sau Cách mạng tháng Tám, phong trào bình dân học vụ ở Phú Xuyên phát triển rộng khắp ở các làng trong xã. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mặc dù gặp phải hoàn cảnh hết sức khó khăn, song nhiều gia đình trong xã vẫn tạo điều kiện cho con em mình đi học lên cao, vào trung cấp và đại học.

Phát huy truyền thống đó của cha ông, ngoài việc học tập để nâng cao dân trí, nhân dân Phú Xuyên còn tích cực học để xóa đói giảm nghèo, làm giàu, vươn lên trong cuộc sống. Nhân dân xã Phú Xuyên hôm nay hiểu được giá trị, sự cần thiết của tri thức trong thời đại đất nước đổi mới, hội nhập. Thế hệ học sinh của xã đang ra sức thi đua rèn luyện để có sức khỏe tốt, học tập tốt. Đã thành nền nếp, trong nghị quyết của Đảng bộ xã mỗi nhiệm kỳ đều coi trọng việc nâng cao chất lượng giáo dục. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong việc chăm lo, tạo điều kiện, môi trường giáo dục trong chính gia đình mình. Những năm gần đây, trên địa bàn xã có từ 30-40 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng mỗi năm. Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng để xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh, vun đắp của biết bao thế hệ cha anh đi trước.

      Truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm

Để có được cuộc sống bình yên, xây dựng quê hương như ngày hôm nay, nhân dân Phú Xuyên qua các thế hệ nối tiếp nhau, cùng nhân dân trong huyện, trong tỉnh và cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng, phát triển và hun đúc thành truyền thống quý báu của người dân nơi đây. Cũng chính từ tình yêu quê hương, đất nước là cội nguồn, là bệ đỡ cho truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Phú Xuyên trong lịch sử.

Trong thời kỳ phong kiến, nhân dân Phú Xuyên đã cùng với cả dân tộc đứng lên đánh đuổi các thế lực ngoại xâm, giành lại độc lập cho đất nước.

Từ năm 1892-1896, nhân dân Đại Từ nói chung, Phú Xuyên nói riêng đã hưởng ứng cuộc nổi dậy của binh lính Việt trong quân đội Pháp ở đồn Hùng Sơn do Cai Bát lãnh đạo.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở ra bước ngoặt lớn thúc đẩy phong trào cách mạng trong nước phát triển. Từ năm 1936, ở Phú Xuyên, đã có một số quần chúng giác ngộ lý tưởng, đi theo Đảng làm cách mạng. Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh, nhân dân các dân tộc xã Phú Xuyên đã nổi dậy cướp chính quyền, xây dựng chính quyền mới. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, truyền thống bất khuất, kiên cường đó ngày càng được hun đúc, tôi luyện. Lớp lớp thanh niên các dân tộc của xã Phú Xuyên đã lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tình nguyện chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, cán bộ và nhân dân Phú Xuyên đã hết lòng bảo vệ An toàn khu Trung ương, chở che cán bộ cách mạng, cùng bộ đội chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, truyền thống bất khuất, kiên cường đó ngày càng được hun đúc, tôi luyện. Nhiều thế hệ thanh niên của Phú Xuyên đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tình nguyện lên đường chiến đấu vì độc lập, tự do.

Lễ hội đình đám, sinh hoạt tín ngưỡng, phong tục tập quán, truyền thống hiếu học là những dòng chảy văn hóa, tạo nên bản sắc riêng của cộng đồng dân cư xã Phú Xuyên xưa và nay. Cần cù, tinh anh và sáng tạo trong lao động sản xuất, ngành nghề; tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau trong cộng đồng làng xã, những sinh hoạt đặc trưng trong văn hóa. Đó là những truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát triển trong các làng xã Phú Xuyên.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những truyền thống tốt đẹp đó đang được phát huy, góp phần xây dựng quê hương Phú Xuyên ngày thêm giàu đẹp, phát triển trên con đường đổi mới và hội nhập.

(Trích lịch sử đảng bộ xã Phú Xuyên)

Bế Hoàng
phuxuyen.daitu.thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 681352